Trên thế giới có rất nhiều cách pha cà phê, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số cách pha cà phê phổ biến trên thế giới:
1.Thổ Nhĩ Kỳ
Là cách pha cà phê nguyên thủy nhất trên thế giới, cách pha duy nhất cà phê và nước được trộn vào nhau trong suốt quá trình pha chế.
Nơi phổ biến: Trung Đông
Dụng cụ: bình Ibrik (một loại bình truyền thống của Thỗ Nhĩ Kì, thường được làm bằng đồng, có hình phễu, tay cầm dài)
Cách pha:
Bước 1: Xay cà phê ở mức cực nhuyễn
Bước 2: Cho cà phê, đường, hương liệu (tùy thuộc hương vị yêu thích của người uống) vào bình.
Bước 3: Đổ một lượng nước phù hợp vào bình, khuấy đều.
Bước 4: Đun cho tới khi hỗn hợp cà phê sôi lên, bọt trào ra ngoài thì nhắc bình Ibrik ra khỏi bếp, khuấy đều, để hơi nguội và bỏ lên nấu lại. Lặp lại 3 lần là xong.
Bước 5: Để “cặn” cà phê lắng xuống, rót hỗn hợp ra ly và thưởng thức.
Đặc điểm: cà phê có vị rất đậm, thơm nồng, dung dịch đặc sệt
2. Áp suất hơi nước
Là cách pha cà phê bằng cách cho áp suất hơi nước bốc hơi qua các ngăn đựng cà phê.
Dụng cụ: Percolator – loại bình lọc thường được sử dụng pha chế thức uống, bằng inox, có hai phần: ngăn lọc và bình đựng.
Cách pha:
Bước 1: Xay cà phê ở mức thô
Bước 2: Đổ nước vào bình, bỏ cà phê vào ngăn trên của bình lọc
Bước 3: Đun sôi, nước sẽ bốc hơi qua ngăn đựng cà phê, hấp thu chất, hương cà phê và nhỏ giọt lại đáy bình. Quá trình được lặp lại cho tới khi thu được dung dịch cà phê mong muốn.
Bước 4: Rót ra ly, để nguội và thưởng thức
Đặc điểm: cà phê không đậm đặc, vị nhạt, ít thơm do đun ở nhiệt độ cao và quá trình bốc hơi lặp lại nhiều lần.
3. Phin lọc Việt Nam
Là cách pha cho nước nóng (thường 70-80oC) trực tiếp vào cà phê thông qua một dụng cụ gọi là phin cà phê. Dung dịch và bã cà phê được tách riêng biệt sau khi pha.
Nơi phổ biến: Việt Nam
Dụng cụ: tách (ly, cốc), phin cà phê (rất phổ biến ở Việt Nam, dụng cụ có 4 phần: miếng lót giữa phin và miệng tách, phin, miếng ép cà phê, nắp đậy)
Cách pha:
Bước 1: Xay cà phê ở mức trung bình
Bước 2: Tráng phin cà phê, tách bằng nước nóng, đặt phin cà phê lên trên miệng tách
Bước 3: Bỏ cà phê vào phin, lắc nhẹ, đậy miếng ép cà phê lên trên
Bước 4: Đổ một ít nước nóng vừa đủ ướt cà phê (chủ yếu cho cà phê nở ra), đậy nắp phin, đợi khoảng 1 phút. Đổ tiếp lượng nước phù hợp vào phin, đợi cho đến khi cà phê nhỏ hết xuống tách.
Bước 5: Thêm sữa, đường, đá,…..thưởng thức.
Đặc điểm: cà phê không quá đặc, vị và hương thơm vừa phải
4. Plunger
Là một trong những cách pha đến từ Pháp, sử dụng nước sôi đổ trực tiếp vào cà phê, sau đó tách bã cà phê bằng pít-tông.
Nơi phổ biến: Pháp
Dụng cụ: bình Pít-tông bằng thủy tinh hoặc inox
Cách pha:
Bước 1: Xay cà phê hơi thô.
Bước 2: Cho 2 muỗng canh cà phê vào khoảng 180ml nước nóng ( khoảng 90oC)
Bước 3: Để khoảng 3 phút, khuấy nhẹ. Cho thêm một ít nước nóng vào bình, đợi thêm 3 phút nữa.
Bước 4: Dùng pít-tông đẩy nhẹ, ép bã cà phê xuống đáy bình
Bước 5: Rót cà phê ra tách, độ nóng đã được giảm bớt trong quá trình pha, có thể thưởng thức ngay.
Đặc điểm: cà phê rất đậm đặc, có đầy đủ đặc tính và hương vị của cà phê.
5. Espresso
Có hai cách pha cà phê Espresso
Cách 1: Espresso “đun”
Cách pha ít phổ biến và quá trình pha gần giống bình lọc áp suất. Chỉ khác dụng cụ pha, do đó mùi vị cà phê cũng khác nhau
Dụng cụ: bộ pha Espresso đun trên bếp – Stovetop Espresso, thường làm bằng nhôm hoặc thép không gỉ.
Cách pha: tương tự như bình lọc áp suất
Đặc điểm: cà phê có vị đậm, nhưng có thể bị ám mùi kim loại
Cách 2: Espresso phong cách Ý
Là niềm kêu hãnh của Ý, nơi sáng tạo ra máy pha cà phê Espresso. Đây là cách pha được cả thế giới công nhận cho ra ly cà phê thơm ngon nhất.
Dụng cụ: máy pha Espresso – Electric Espresso Machine
Nguyên lý hoạt động của máy pha cà phê Espresso: Nước nóng được bơm trực tiếp qua ngăn đựng cà phê và đổ ra tách ở áp suất hơi nước rất cao thông qua một cần bơm (hoặc pít-tông). Cà phê được xay, ép nhanh chóng, quá trình pha chỉ khoảng 20 – 25 giây.
Đặc điểm: cà phê xốp, vàng như kem, ít đắng, đầy đủ hương vị đặc trưng, thơm nồng
6. Pha bằng nước lạnh
Là cách “ngâm” cà phê trong nước lạnh.
Dụng cụ: không bắt buộc (thường cần bình to dùng để “ngâm” cà phê và một tách khi uống)
Cách pha:
Bước 1: Xay cà phê ở mức thô.
Bước 2: Cho khoảng 0,5kg cà phê vào bình đựng
Bước 3: Cho khoảng 2 lít nước vào bình, ngâm cà phê từ 6 đến 8 tiếng.
Bước 4: Chiết hết dung dịch cà phê sau khi ngâm vào một bình khác, cất giữ trong tủ lạnh
Bước 5: Khi uống, cho khoảng 30ml dung dịch cà phê làm lạnh vào 180-240ml nước nóng, thưởng thức.
Đặc điểm: cà phê rất nhạt, không thơm, do toàn bộ hương vị, mùi thơm cà phê không được chiết xuất qua nước lạnh mà chỉ chiết xuất được qua nước nóng. Những người yêu thích kiểu pha cà phê này do có thể loại bỏ chất acid – chất có nguy cơ gây đau bụng có trong cà phê.